Trưa ngày 07/11, hàng ngàn người dân địa phương và khách du lịch đã có mặt tại Khán đài đua ghe Ngo thành phố Sóc Trăng để tham dự lễ khai mạc Giải đua ghe Ngo trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.
Trở thành phong tục của người dân xứ Ba Sắc từ năm 1528 và được duy trì, phát triển cho đến ngày nay, Lễ hội đua ghe Ngo là một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu vào mỗi dịp rằm tháng Mười âm lịch hàng năm. Đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Óoc Om Bóc – một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer, bên cạnh Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay và lễ cúng ông bà Sene Dolta. Bên cạnh đó, Lễ đua ghe Ngo của đồng bào Khmer cũng là một Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer là hoạt động thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với thiên nhiên đã tạo nên mưa thuận gió hòa, sông ngòi đã bù đắp phù sa mang đến một mùa màng bội thu và nhiều nguồn lợi dồi dào cho sự sống của con người. Tạ ơn các vị thần có thế lực quyền năng, các linh hồn ông bà tổ tiên đã giúp đỡ, che chở, phù hộ, bảo vệ mùa màng.
Bên cạnh đó, lễ hội này cũng là một dịp để tạo nên tính gắn kết cộng đồng, mối thân tình, đoàn kết giữa con người với con người.
Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng năm nay thu hút 54 đội ghe ngo (9 đội nữ và 45 đội nam) đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, trong đó, đơn vị chủ nhà Sóc Trăng tham dự đến 40 đội, với 37 đội nam và 3 đội nữ. Sau phần khai mạc, các đội ghe Ngo bước vào thi đấu cự ly 1.200m nam, và 1.000m nữ. Theo Ban Tổ chức giải, đội vô địch nam sẽ được trao cúp và tiền thưởng 200 triệu đồng, giải nhì 150 triệu đồng, giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng; đội vô địch nữ sẽ nhận được cúp và tiền thưởng 150 triệu đồng, giải nhì 100 triệu đồng, giải ba 80 triệu đồng, giải tư 50 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn hỗ trợ cho mỗi đội tham dự lễ hội với số tiền 20 triệu đồng.
Với sự đầu tư và quy mô hoành tráng, Lễ hội năm nay được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam đã công nhận “Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng có số lượng đội ghe và vận động viên tham dự nhiều nhất”.
Cùng ngày 7/11, giải đua ghe ngo Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer cũng được tổ chức tại thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Tuy quy mô có phần nhỏ hơn so với lễ hội của tỉnh Sóc Trăng, nhưng không khí của lễ hội tại Kiên Giang vẫn vô cùng nhộn nhịp, sôi nổi.
Từ rất sớm, hàng chục nghìn người dân đã tập trung ở hai bên bờ sông Cái Lớn để theo dõi và ủng hộ các đội đua. Ngay từ những trận thi đấu đầu tiên của vòng loại, các vận động viên đã thể hiện tinh thần quyết liệt tạo nên những trận đua vô cùng mãn nhãn.
Dù có nguồn gốc xuất phát từ dân tộc Khmer, nhưng trải qua thời gian dài phát triển, Lễ hội đua ghe ngo thu hút được rất nhiều người dân từ đến từ nhiều nơi và dường như đã trở thành một ngày hội chung của các dân tộc, làm cho mối quan hệ cộng đồng các dân tộc ở miền Tây Nam Bộ ngày càng gắn kết.